TRUNG TÂM DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP HUYỆN QUỲNH LƯU - NGHỆ AN
http://dichvunongnghiepql.vn
Người bạn đồng hành của nhà nông!
logo
slide
Lorem ipsum
Lorem ipsum
Slide4

Kết quả bước đầu triển khai dự án thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” ở vụ xuân năm 2024 tại Nghệ An

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì nông nghiệp là ngành “đóng góp” cao thứ hai vào phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, với khoảng 19% tổng lượng phát thải vào năm 2020, ước tính khoảng 104,5 triệu tấn carbon dioxide tương đương (viết tắt tCO2e). Trong nông nghiệp thì sản xuất lúa gạo chiếm tới 48% lượng phát thải, tiếp theo là chăn nuôi (15,3%), bón phân (12,9%), quản lý phân xanh (9,5%) và các hoạt động khác. Một đặc điểm đặc thù của khí thải nông nghiệp là hơn 70% lượng khí thải là khí mê-tan và khí Nitơ oxit.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Sau khi cam kết, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 về việc phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhằm chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành các chiến lược như: Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô - dôn thì lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các bon trong nước chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thỉa khí nhà kính và tín chỉ các-bon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các bon.
- Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn gioa dịch tín chỉ các bon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các bon trong nước với thị trường các bon khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2021 về việc Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030.
 Giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chung của các nước trên thế giới và là chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để thực hiện các dự án giảm phát thải khí nhà kính, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã giới thiệu Công ty Green Carbon INC (Nhật Bản) hoạt động về tư vấn lĩnh vực môi trường, tham gia vào việc tạo ra và bán tín chỉ carbon cả trong nước và quốc tế.
Vụ xuân 2024, Công ty Green Carbon INC đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, các địa phương và cơ quan chuyên môn liên quan triển khai dự án thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” tại địa bàn 5 huyện gồm Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc và Hưng Nguyên với quy mô hơn 5.200 ha. Dự án thí điểm được áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (nông lộ phơi) để tiết kiệm lượng nước tưới, giảm lượng phát thải khí mê tan, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, nâng cao giá trị sản xuất lúa một cách bền vững.
Mục đích của dự án thí điểm để trong thời gian tới sẽ kinh doanh tín chỉ Carbon, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, bù trừ tín chỉ Carbon thị trường trong nước và chuyển nhượng giao dịch mua bán trao đổi tín chỉ Carbon ra thị trường quốc tế, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất và đồng thời tìm kiếm cơ hội về nguồn kinh phí tái đầu tư cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, đóng góp đẩy nhanh sự phát triển thị trường carbon của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Việc tỉnh Nghệ An thực hiện thí điểm thành công “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” sẽ giúp cho tỉnh trở thành một trong những tỉnh đi đầu, đồng thời là cơ hội để tạo ra nguồn tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất lúa một cách bền vững, đóng góp cho quốc gia thực hiện thành công cam kết về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tín chỉ Carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán Carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ, trong đó một tín chỉ Carbon sẽ tương đương với một tấn khí CO2.
Thông qua việc triển khai thực hiện dự án, Công ty Green Carbon INC đã tổ chức 6 cuộc hội thảo cấp huyện, 8 cuộc hội thảo cấp xã cho cán bộ và 32 lớp cho nông dân tại 31 xã vùng triển khai để cán bộ cùng nông dân nắm được các thông tin, nội dung về tín chỉ Carbon, kế hoạch thực hiện dự án, các phương pháp và kỹ thuật áp dụng trong sản xuất lúa cũng như cách thức thu thập thông tin, xác nhận thông tin để xây dựng hồ sơ đăng ký đánh giá và chứng nhận tín chỉ Carbon. Hướng dẫn, theo dõi giám sát việc áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ và xây dựng dữ liệu cho hồ sơ pháp lý trong việc cấp tín chỉ Carbon. Các chuyên gia kỹ thuật triển khai đo đại diện lượng khí thải trên vùng dự án tại 3 huyện điển hình cho hình thức canh tác là Hưng Nguyên, Đô Lương và Diễn Châu với tần suất lấy mẫu khí thải 1 lần/tuần trong cả vụ. Công ty Green Carbon INC đã định vị ống đo mực nước trên đồng ruộng, cập nhật bản đồ ống đo nước và khoanh các vùng thực hiện dự án; theo dõi, xác nhận lịch tưới nước để đánh giá lượng phát thải khí mê tan.
Qua kiểm tra, theo dõi thực tế trên đồng ruộng của các chuyên gia và cán bộ địa phương nhận thấy: Các xã đã áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật, đến nay chưa thấy ảnh hưởng của việc áp dụng quy trình đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. So với những vùng ngoài dự án thì một số xã đã tiết kiệm được 1 - 2 lần tưới nên đã giảm được chi phí tiền điện, giảm chi phí sản xuất. Tại những xã, số lần tưới của vùng thực hiện dự án không giảm so với những vùng ngoài dự án nhưng việc tưới nước đúng kế hoạch, đúng thời điểm theo yêu cầu kỹ thuật canh tác hay theo yêu cầu của các giai đoạn đã giúp cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế nhánh vô hiệu, tăng nhánh hữu hiệu, cứng cây và ít bị đỗ ngã. Bên cạnh đó, những ruộng áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ thì ít bệnh và rầy nâu hơn, cây lúa có thời gian sinh trưởng ngắn hơn và cho năng suất tương đương hoặc cao hơn so với ruộng không thực hiện dự án. Bước đầu ghi nhận có sự giảm lượng khí mê tan (CH4) phát thải đáng kể trong sản xuất lúa tại các điểm theo dõi.
 
Các chuyên gia kỹ thuật đang kiểm tra đo lượng phát thải khí tại huyện Đô Lương
Cán bộ kỹ thuật đang đo mực nước trên ruộng tại xã Kim Liên – huyện Nam Đàn
Kết quả bước đầu thực hiện dự án thí điểm trong vụ xuân 2024 đạt kết quả tốt, song để được cấp chứng nhận tín chỉ Carbon cần thực hiện liên tục trong nhiều vụ, do vậy việc duy trì và mở rộng diện tích trong các vụ sản xuất tiếp theo là cần thiết.
          Trên cơ sở những kết quả đạt được trong vụ xuân 2024 và đề xuất của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ thực hiện chương trình “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn Công ty Green Carbon INC triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định trong thời gian tới./.
Nguồn tin – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An - nguồn TSKN

Bình luận

Gửi bình luận
    Bình luận

    Bài viết liên quan

    SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA

    SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA

    SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa có tên khoa học là Cnaphalocrocis medinalis Guenee thuộc họ Ngài sáng (Pyralidae), bộ...