SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA
Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa có tên khoa học là Cnaphalocrocis medinalis Guenee thuộc họ Ngài sáng (Pyralidae), bộ Cánh vảy (Lepidoptera) thường xuất hiện và gây hại khắp các vùng trồng lúa ở nước ta. Tại Nghệ An nói chung và huyện Quỳnh Lưu nói riêng, sâu cuốn lá nhỏ đã phát sinh thành dịch vào năm 2014 và 2016, hại nặng lúa vụ Hè Thu với mật độ cao 500-800 con/m2. Ngoài lúa sâu còn phá hại trên cây ngô, kê, cỏ lồng vực, cỏ lá tre…
- Triệu chứng gây hại
Sâu non nhả tơ cuốn dọc lá lúa thành một bao thẳng đứng hoặc bao tròn gập lại. Sâu nằm trong bao gặm ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá theo dọc gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền nhau thành thành từng mảng làm giảm diện tích quang hợp và đặc biệt nếu hại trên lá đòng hoặc các lá cận lá đòng làm giảm năng suất rõ rệt.
Bao lá cuốn | Ruộng lúa bị sâu hại trắng lá |
- 2. Đặc điểm hình thái
- Ngài (trưởng thành): Thân dài 10 mm, sải cánh rộng 19 mm, màu vàng nâu, mép trước của cánh trước màu nâu đen. Mép ngoài cánh rộng. Cánh trước có 3 vân ngang màu nâu, vân trong và vân ngoài dài, vân giữa ngắn cụt.
- Trứng: hình bầu dục dài 0,5 mm, màu trắng đục sau chuyển màu vàng nhạt khi sắp nở.
- Sâu non: có 5 tuổi, mới nở màu trắng sữa. Sâu lớn đẫy sức màu xanh lá mạ, dài 19 mm. Thân mảnh gầy, chia đốt rõ ràng, chân bụng phát triển.
- Nhộng: dài 7-10 mm, màu nâu, cuối bụng có 6 sợi lông ngắn uốn cong.
Trưởng thành |
Trứng | |
Nhộng |
Sâu non tuổi 5 |
Sâu non tuổi 1 |
Thời gian sinh trưởng phát dục các giai đoạn của sâu thay đổi tùy theo lứa trong năm. Nhìn chung thời gian phát dục của trứng là 6 - 7 ngày, của sâu non là 14 - 16 ngày, của nhộng là 6 - 7 ngày, thời gian ngài sống là 2 - 6 ngày, trung bình thời gian của một vòng đời là 28 - 36 ngày.
Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ
- Tập quán sinh sống và gây hại
Ngài thường vũ hóa vào ban ngày rồi ẩn náu trong khóm lúa hoặc cỏ dại, đêm bay ra hoạt động. Ngài đẻ trứng về đêm rải rác rác trên lá lúa, phần lớn có 1 trứng, trên 1 lá cũng có khi 2-3 trứng đẻ cùng một chỗ xếp thành ô vuông hay hàng dọc. Mỗi con cái đẻ trung bình 100 quả trứng. Số lượng trứng đẻ phụ thuộc vào thức ăn của thời kỳ sâu non, thời tiết, sự ăn thêm và giảm dần theo các lứa trong năm. Ngài có xu tính bắt ánh sáng mạnh, nhất là con cái và thường bay đến các ruộng gần bờ mương, đường đi, vườn, nhà ở.
Sâu non mới nở rất linh hoạt, bò khắp trên lá, thân, có thể chui vào lá nõn, mặt trong bẹ lá. Từ cuối tuổi 2, sâu non bắt đầu nhả tơ kéo hai mép lá lại dệt thành bao và nằm trong đó gây hại. Sâu tuổi 4-5 có khả năng nhả tơ dệt gập lá theo chiều ngang, có khi gập 2-5 lá dệt thành một bao. Sâu nằm trong bao có thể phá hại suốt ngày đêm. Sâu còn có khả năng di chuyển ra khỏi bao cũ để phá hại lá mới, mỗi con sâu có thể phá hại 5-9 lá; thời gian di chuyển thường vào buổi chiều, từ 6-9 giờ tối; ngày trời mưa hoặc râm thì có thể di chuyển bất cứ lúc nào trong ngày.
Sâu non đẫy sức chuyển từ màu xanh thành màu vàng hồng chui ra khỏi bao cũ tìm vị trí hóa nhộng. Sâu có thể bò xuống phía dưới khóm lúa hoặc ở trong bẹ lá dệt kén mỏng để hóa nhộng. Vị trí hóa nhộng phần nhiều gần gốc khóm lúa, cách mặt nước ruộng khoảng 1,5 cm. Có khi sâu hóa nhộng ở ngay trong bao cũ.
- Quy luật phát sinh phát triển
Quy luật phát sinh gây hại của sâu cuốn lá nhỏ có liên quan chặt chẽ với các yếu tố ngoại cảnh. Yếu tố thời tiết có ảnh hưởng đến thời gian xuất hiện, đẻ trứng của trưởng thành và mật độ sâu non gây hại trên đồng ruộng. Nói chung sâu cuốn lá nhỏ là loài ưa điều kiện mát, ẩm, nhiệt độ từ 25-290C, ẩm độ trên 80% là điều kiện thuận lợi cho sâu phát sinh gây hại, đặc biệt trong điều kiện có mưa nắng xen kẽ. Nếu trong phạm vi nhiệt độ nói trên, trời không mưa hoặc ít mưa thì lượng trứng của trưởng thành đẻ ra giảm rõ rệt. Nhiệt độ cao, khô hạn không thuận lợi cho sâu phát triển.
Sâu có thể hại tất cả các giai đoạn cây lúa, song mức độ nặng nhẹ tùy thuộc từng giống lúa, giai đoạn sinh trưởng, thời vụ gieo cấy và chế độ phân bón khác nhau. Nhìn chung mức độ bị hại rõ rệt ảnh hưởng đến năng suất thường vào giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ bông, các giống lúa nếp, giống có bộ lá xanh đậm, những ruộng gần bờ mương, đường đi, khu dân cư, những ruộng gieo cấy dày, bón nhiều đạm, bón lai rai làm cho cây lúa lúc nào cũng non xanh thường bị sâu hại nặng hơn.
Hàng năm, sâu có thể phát sinh 7-8 lứa trên lúa ( vụ xuân 3 lứa). Ở Nghệ An nói chung và huyện Quỳnh Lưu nói riêng, sâu non lứa 4, lứa 5 hại nặng trên lúa Hè Thu, sâu non lứa 6 thường hại nặng trên trà lúa Mùa.
- Biện pháp phòng trừ
Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, trong đó chú trọng các biện pháp:
- Biện pháp canh tác:
Vệ sinh đồng ruộng, cày phơi ải, ngâm dầm, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để làm phân hữu cơ. Dọn sạch cỏ dại ở bờ mương, bờ ruộng để cắt đứt nơi trú ngụ của sâu hại.
Trên một xứ đồng cần bố trí lịch thời vụ tập trung, sử dụng tối đa 2-3 giống có cùng thời gian sinh trưởng, gieo cấy mật độ thích hợp theo quy trình thâm canh lúa cải tiến.
Chăm sóc, bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tăng khả năng đền bù của cây khi bị sâu gây hại. Tránh bón quá nhiều đạm, bón lai rai và bón muộn
- Biện pháp cơ giới:
Kết hợp với quá trình làm cỏ, sử dụng tay để tiêu diệt sâu non hạn chế mật độ cho các lứa tiếp theo
- Biện pháp sinh học:
Tại Nghệ An đã xác định được trên 35 loài thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ, đặc biệt là ong kén trắng, ong cự vàng 8 chấm đen, ong đen đùi to,… ký sinh sâu non, nhộng và tập đoàn thiên địch bắt mồi ăn thịt như: Chuồn chuồn, Nhện nhảy, Nhện lưới,… Cần hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học sau khi gieo cấy 40 ngày. Trường hợp cần thiết thì lựa chọn thuốc có tính chọn lọc để bảo vệ và phát huy các đối tượng thiên địch này trong việc khống chế mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng. Nên sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ
- Biện pháp hóa học:
Không khuyến cáo phòng trừ bằng hóa học khi trưởng thành xuất hiện. Chỉ sử dụng thuốc hóa học để phun trừ khi mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên ở giai đoạn lúa đẻ nhánh và từ 30 con/m2 trở lên ở giai đoạn đòng - trỗ.
Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất như Idoxacarb, Chlorantraniliprole, Flubendiamide, Lufenuron,… với tên thương mại Ammate 150SC, Clever 150SC, 300WG, Sunset 300 WG, Obaone 95WG, Opulent 150SC, Obaone 95WG, Prevathon 5SC, Virtako 40WG, Voliam targo 063SC, Takumi 20 WG, Match 50 EC,... theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì khi sâu non tuổi nhỏ (tuổi 1-3). Khi phun cần đảm bảo lượng nước tối thiểu 20-24 lít/ 500m2 và phun theo 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Bài và ảnh: Th.S Phan Thị Hậu
Bình luận
Bình luận