Để hạn chế dịch bệnh đốm trắng xảy ra trên tôm nuôi trong vụ nuôi năm 2023, người nuôi tôm cần lưu ý một số nội dung sau:
1. Đối với ao chuẩn bị thả tôm
- Chuẩn bị ao nuôi:
- Đối với ao nuôi không có lót bạt đáy thì sên vét bùn đáy ao triệt để, tiến hành rửa và ngâm đáy ao 2-3 lần bằng vôi (CaO), liều lượng 30 kg/1.000 m2, sử dụng thêm vôi CaCO3 rải đều khắp nền đáy và bờ ao liều lượng 20-25 kg/1.000 m2. Sau đó tiếp tục phơi ao từ 5 đến 7 ngày, phơi khô đáy ao, cày xới nhằm kiểm soát chất hữu cơ và các tác nhân gây bệnh
- Ao có lót bạt đáy thì xịt rửa bằng vòi có áp lực mạnh để tẩy rửa những chất bẩn bám trên nền bạt và thành bờ ao, các chất bẩn được gom lại tại nơi chứa thái để xử lý mần bệnh.
- Cần có ao lắng, xử lý nước riêng biệt, tiệt trùng nguồn nước đầu vào trong ao lắng hoặc ao nuôi trước khi thả tôm bằng hóa chất Chlorine liều lượng 30 ppm (30 kg/1.000 m3).
b) Chọn tôm giống: Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; được kiểm tra các tác nhân gây bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh MBV, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và các bệnh nguy hiểm khác đã được cơ quan chuyên ngành kiểm tra đạt yêu cầu
- Mật độ và kích cỡ giống thả nuôi phù hợp với quy định của ngành (tôm chân trắng từ 80-100 con/m2, cỡ postlarvae ≥12mm; tôm sú từ 25-30 con/m2, cỡ postlarvae ≥15 mm).
- Áp dụng các quy trình nuôi an toàn sinh học để giảm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
- Quản lý và chăn các ao tôm đang nuôi
Quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như:
– Duy trì mực nước ao nuôi > 1,2m.
– pH duy trì 7,5 – 8,2 (kiểm tra 02 lần/ngày, vào lúc 6 giờ sáng và 14 giờ chiều).
– Độ kiềm ổn định 120-160 mg/l (định kỳ 7-10 ngày kiểm tra/lần).
– Tăng thời gian chạy quạt nước để đảm bảo oxy hòa tan >5mg/l.
- Mật độ tảo (định kỳ 3 ngày kiểm tra/lần) cần điều chỉnh trong ngưỡng thích hợp nhất, đặc biệt là màu nước cần giữ ổn định thường xuyên, tránh hiện tượng tảo bị nở hoa.
- Bón vôi (CaCO3) quanh bờ ao trước khi trời mưa; sau khi mưa nhiều có thể tháo bỏ lớp nước tầng mặt hoặc bón vôi cho ao nuôi để tránh sự biến động độ mặn và các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao nuôi.
- Tăng cường sức đề kháng cho tôm bổ sung các vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, chất tăng cường hệ miễn dịch vào thức ăn cho tôm.
- Trong quá trình nuôi, cơ sở nuôi cần kiểm soát, loại bỏ vật chủ trung gian truyền bệnh, không sử dụng chung dụng cụ giữa các ao nuôi, phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần sử dụng, hạn chế người, động vật vào khu vực nuôi. Bên cạnh đó, cần kiểm tra sức khỏe tôm hằng ngày (như khả năng hoạt động, màu sắc tôm, vỏ tôm, khối gan tụy, ruột, bộ phụ, lượng thức ăn), kiểm tra màu nước, chỉ tiêu môi trường hằng ngày. Đối với việc lấy mẫu gửi xét nghiệm, chủ cơ sở nuôi cần lấy mẫu vào tháng thứ 2 sau khi thả nuôi, bao gồm: mẫu nước, giác xác, tôm để gửi xét nghiệm xác định mầm bệnh. Chủ cơ sở nuôi cũng cần theo dõi nắm thông tin về tình hình dịch bệnh xảy ra trong khu vực/vùng, tình hình dự báo thời tiết và cảnh báo dịch bệnh của cơ quan chuyên môn để có biện pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh.
- Quản lý chặt chẽ thức ăn trong quá trình nuôi, tránh dư thừa thức ăn; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để giảm ô nhiễm môi trường đáy ao và hạn chế sự phát sinh mầm bệnh.
- Xử lý ao tôm bị bệnh do virus đốm trắng
- Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh đốm trắng, người dân không nên dùng thuốc kháng sinh để trị bệnh vì không có tác dụng đối với bệnh do virus.
- Vì vậy, khi tôm nuôi có dấu hiệu thân hồng bơi nổi lờ đờ trên mặt nước sau đó tất bờ chết bất thường, tuyệt đối không xả nước, tôm chết ra ngoài môi trường xung quanh; phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly và khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, Ủy ban nhân dân xã hoặc các Phòng ban liên quan để được hướng dẫn cách ly, thu mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh và hướng dẫn quy trình xử lý tiêu hủy mầm bệnh.
Lưu ý: Người dân trước khi thả tôm giống phải qua kiểm dịch và được cấp ”Giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản vận chuyển trong nước” của cơ quan chức năng và lưu giữ tại cơ sở nuôi. Đây là cơ sở làm căn cứ để được hưởng các chính sách của nhà nước như: hỗ trợ hóa chất tiêu hủy dịch bệnh; hỗ trợ con giống khôi phục sản xuất (nếu có),..
( Một số hình ảnh kiểm tra tôm nuôi bị bệnh đốm trắng năm 2022 tại Quỳnh Lưu)
Người thực hiện: Hồ Vinh Quang Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Quỳnh Lưu.
Bình luận
Bình luận