TRUNG TÂM DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP HUYỆN QUỲNH LƯU - NGHỆ AN
http://dichvunongnghiepql.vn
Người bạn đồng hành của nhà nông!
logo
slide
Lorem ipsum
Lorem ipsum
Slide4

Bệnh đạo ôn hại lúa

BỆNH ĐẠO ÔN HẠI LÚA

Bệnh đạo ôn là một trong những bệnh phổ biến và gây hại có ý nghĩa kinh tế lớn nhất ở các nước trồng lúa trên thế giới. Bệnh được phát hiện đầu tiên ở Italia năm 1560 sau đó là ở Trung Quốc năm  1637, Nhật Bản – 1760, Mỹ - 1906 và Ấn Độ năm 1913,… Ở nước ta, Vincens ( người Pháp) đã phát hiện bệnh ở vùng Nam Bộ vào năm 1921, năm 1951, Roger ( người Pháp đã xác định sự xuất hiện và gây hại của bệnh ở vùng Bắc Bộ.

Hiện nay, bệnh đạo ôn hại lúa là một đối tượng gây tác hại nghiêm trọng nhất ở một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Philippin và Việt Nam. Năm 1955-1961 bệnh gây hại nghiêm trọng nhiều nơi như Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang,… Vụ Xuân 1991-1992 ở miền Bắc diện tích bị bệnh đạo ôn lá là 297.000 ha trong đó có tới 214.000 ha bị đạo ôn cổ bông, ở miền Nam diện tích bị bệnh đạo ôn năm 1992 là 165.000 ha. Gần nhất, Vụ xuân năm 2017 ở Hà Tĩnh bệnh đạo ôn lá nhiễm 2.024 ha, bệnh đạo ôn cổ bông nhiễm 20.782 ha, nhiễm nặng 7.633 ha, mất trắng 13.149 ha; vụ Xuân năm 2022 tại Quỳnh Lưu, diện tích bị bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié 1.104,3ha, 300 ha nhiễm trung bình ảnh hưởng rõ năng suất.

1. Triệu chứng bệnh

Bệnh đạo ôn có thể phát sinh từ thời kỳ mạ đến lúa chín và có thể gây hại ở bẹ lá, lá, lóng thân, cổ bông, gié và hạt.

Bệnh  trên mạ: vết bệnh trên lá mạ lúc đầu hình bầu dục nhỏ sau tạo thành hình thoi nhỏ hoặc dạng tương tự hình thoi, màu nâu bóng hoặc nâu vàng. Khi bệnh nặng, từng đám vết bệnh kế tiếp nhau làm cây mạ có thể héo khô hoặc chết.

Bệnh trên lá lúa: thông thường vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh lục hoặc mờ vết dầu, sau chuyển màu xám nhạt. Sự phát triển tiếp tục của triệu chứng bệnh thể hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ phản ứng của cây: Trên các giống lúa mẫn cảm các vết bệnh to, hình thoi, màu nâu nhạt, có khi có quầng vàng nhạt, phần giữa vết bệnh có màu nâu xám. Trên các giống chống chịu, vết bệnh là những chấm nâu rất nhỏ hình dạng không đặc trưng. Ở các giống có phản ứng trung gian, vết bệnh có hình tròn hoặc hình bầu dục nhỏ xung quanh vết bệnh có viền màu nâu.

Vết bệnh trên cổ bông, cổ gié và trên hạt lúa: các vị trí khác nhau của bông lúa đều có thể bị bệnh với triệu chứng các vết màu nâu xám hơi teo thắt lại. Vết bệnh trên cổ bông xuất hiện sớm thì bông lúa bị lép, bạc lạc, nếu bệnh xuất hiện muộn khi hạt đã vào chắc thì gây hiện tượng gẫy cổ bông. Vết bệnh ở hạt không định hình, có màu nâu xám hoặc nâu đen. Nấm ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt. Hạt giống bị bệnh là nguồn bệnh truyền từ vụ này sang vụ khác.

   

                                       Triệu chứng vết bệnh đạo ôn hại cổ bông, cổ gié

   

                                Triệu chứng vết bệnh đạo ôn hại lá

2) Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh đạo ôn do nấm Magnaporthe oryzae gây ra ( tên cũ là Pyricularia oryzae)

Nấm đạo ôn sinh trưởng thích hợp ở nhiệt độ 25-280C và ẩm độ không khí là 93% trở lên. Phạm vi nhiệt độ nấm sinh sản bào tử từ 10-300C. Ở 280C cường độ sinh bào tử nhanh và mạnh nhưng sức sinh sản giảm dần sau 9 ngày, trong khi đó ở 16,20 và 240C sự sinh sản bào tử tăng và kéo dài tới 15 ngày sau đó mới giảm xuống. Điều kiện ánh sáng âm u có tác động thúc đẩy quá trình sinh bào tử của nấm. Bào tử nấm nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 24-280C và có giọt nước. Quá trình xâm nhập của nấm vào cây phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ, ẩm độ không khí và ánh sáng. Ở điều kiện bóng tối, nhiệt độ 240C và ẩm độ bão hòa là thuận lợi nhất cho nấm xâm nhập vào cây.

Trong quá trình gây bệnh, nấm tiết ra một số độc tố như axit α-picolinic (C6H5NO2) và piricularin (C18H14N2O3) có tác dụng kìm hãm hô hấp và phân hủy các enzim chứa kim loại của cây, kìm hãm sự sinh trưởng của cây lúa. Nấm đạo ôn có khả năng biến dị cao, tạo ra nhiều chủng, nhóm nòi sinh học. các vùng trồng lúa trên thế giới đã có tới 256 nòi xuất hiện. Ở nước ta xác định trên bộ giống chỉ thị nòi quốc tế đã thấy sự xuất hiện của nhiều nhóm nòi đạo ôn ký hiệu là IB,IC,,ID,IE,IF và IG phân bố từ Quảng Nam đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Các nhóm nòi có sức gây bệnh cao ở các tỉnh miền Bắc là IB, IE, IF, IC-1, IA-71 và IC-23. Các nhóm IA, ID và IG có khả năng gây bệnh cao ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn bệnh của nấm đạo ôn tồn tại ở dạng sợi nấm và bào tử trong rơm rạ và hạt bị bệnh, ngoài ra nấm còn tồn tại trên một số cây cỏ dại khác. Ở điều kiện nhiệt đới bệnh có thể tồn tại quanh năm đồng thời nấm cũng chuyển ký chủ từ cây lúa bị bệnh sang cây ký chủ phụ sinh trưởng phát triển quanh năm.

3) Quy luật phát sinh phát triển của bệnh

 Sự phát triển của bệnh phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố ngoại cảnh và mức độ nhiễm bệnh của giống:

Ảnh hưởng của thời tiết khí hậu:  Nấm đạo ôn ưa nhiệt độ tương đối thấp, điều kiện nhiệt độ 20-280C, ẩm độ không khí bão hòa và thời tiết âm u trong vụ lúa Đông Xuân là rất thịch hợp cho bệnh phát sinh gây hại nặng nhất, nhất là giai đoạn đẻ nhánh rộ và trỗ - chín.

Ảnh hưởng của đất đai phân bón đến bệnh: những chân ruộng nhiều mùn, trũng ẩm, khó thoát nước, những vùng đất cát, cát pha dở nước rất phù hợp cho bệnh gây hại nặng. Phân bón giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của bệnh ngay cả trong những năm thời tiết không thuận lợi nhưng do bón phân không hợp lý tạo điều kiện thúc đẩy bệnh phát sinh phát triển gây hại mạnh. Khi sử dụng nhiều đạm, bón muộn, lá có màu xanh đậm đều làm tăng tỷ lệ bệnh và mức độ gây hại của bệnh. Phân lân ảnh hưởng ít đến mức độ bệnh của cây; bón phân ở liều lượng nào đó đối với đất thiếu lân có thể làm giảm tỷ lệ bệnh, nếu sử dụng lân không hợp lý thì bệnh có thể tăng. Nếu bón kali trên nền đạm cao sẽ làm bệnh tăng so với trên nền đạm thấp; trong đất giàu kali nếu tăng mức độ bón kali trên nền đạm cao cũng có thể làm tăng mức độ bệnh của cây. Phân silic có tác dụng làm giảm độ nhiễm bệnh của cây; mức độ nhiễm bệnh của cây tỷ lệ nghịch với hàm lượng si lic trong cây, do đó bón nhiều silic sẽ làm giảm mức độ của bệnh của cây.

Ảnh hưởng của giống lúa tới bệnh đạo ôn: Đặc tính của giống có ảnh hưởng rất lớn tới mức độ phát triển của bệnh trên đồng ruộng, những giống nhiễm bệnh nặng ( mẫn cảm) không những là điểm bệnh phát sinh ban đầu mà còn là điều kiện cho bệnh dễ dàng lây lan hàng loạt hình thành nên dịch bệnh trên đồng ruộng. Qua theo dõi nhiều năm trên đồng ruộng, hiện các giống AC5, NA6, Thiên Ưu 8, ADI 168, Thái Xuyên 111, Phú Ưu 978,… đều nhiễm bệnh nặng.  

4) Biện pháp phòng trừ

Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư, làm sạch cỏ bờ, làm đất sớm, cày vùi gốc rạ để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng; sử dụng giống chống chịu; bố trí thời vụ hợp lý để lúa trỗ từ 20/4 đến 05/5. Bón phân cân đối, ứng dụng Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) như cấy thưa, cấy 1 dảnh, bón phân nặng đầu nhẹ cuối, bón theo bảng so màu, không bón lai rai,... để có cây lúa khỏe, tăng tính chống chịu với bệnh.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là những lúc trời âm u, sương mù, mưa phùn, nhiệt độ 25-280C. Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như sử dụng giống chống chịu, cấy mật độ thích hợp, bón phân cân đối, không bón nhiều đạm, tăng cường lân và kali, thu dọn tàn dư tiêu hủy... Khi bệnh xuất hiện tỷ lệ 3-5% lá bị hại cần giữ đủ nước trên ruộng, dừng bón thúc các loại phân, kể cả phân bón lá và tiến hành phòng trừ ngay bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất như: Tricyclazole, Tricyclazole + Isoprothiolane, Kasugamycin + Tricyclazole, Tricyclazole + Propiconazole,  Difenoconazole + Isoprothiolane + Tricyclazole, Fenoxani+ Isoprothiolane , Fenoxanil, … với tên thương mại như  Beam 75WP, Bump 600WP, Kabim 30WP, Filia 525SE, Ban kan 600WP, Ninja 35EC, Katana 20SC… Beam 75WP, Trizole 400SC, Ninja 35EC, Kabim 30WP, Filia 525SE, Bankan 600WP,… theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì. Trường hợp bệnh vẫn tiếp tục phát sinh cần phun lại lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày. Khi lá mới ra không xuất hiện vết bệnh nữa mới tiến hành chăm sóc, bón phân bình thường.

Ở giai đoạn lúa trỗ bông, nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển như âm u, sương mù, có mưa cần sử dụng các loại thuốc nói trên để phun phòng 02 lần trước trỗ và sau khi lúa trỗ hoàn toàn đặc biệt là ruộng đã bị đạo ôn lá, trên các giống nhiễm.

Nguồn: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu

Tài liệu tham khảo: Giáo trình bệnh cây nông nghiệp - Trường đại học nông nghiệp 1- Hà Nội nay là Học viện nông nghiệp Việt Nam.

Bình luận

Gửi bình luận
    Bình luận

    Bài viết liên quan

    SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA

    SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA

    SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa có tên khoa học là Cnaphalocrocis medinalis Guenee thuộc họ Ngài sáng (Pyralidae), bộ...
    BỆNH BẠC LÁ VI KHUẨN HẠI LÚA

    BỆNH BẠC LÁ VI KHUẨN HẠI LÚA

    BỆNH BẠC LÁ VI KHUẨN HẠI LÚA Tên khoa học:  Xanthomonas campestris p.v. Oryzae Dowson Bệnh bạc lá lúa được phát hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào...