TRUNG TÂM DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP HUYỆN QUỲNH LƯU - NGHỆ AN
http://dichvunongnghiepql.vn
Người bạn đồng hành của nhà nông!
logo
slide
Lorem ipsum
Lorem ipsum
Slide4

BỆNH BẠC LÁ VI KHUẨN HẠI LÚA

BỆNH BẠC LÁ VI KHUẨN HẠI LÚA

Tên khoa học: Xanthomonas campestris p.v. Oryzae Dowson

Bệnh bạc lá lúa được phát hiện đầu tiên tại Nhật Bản vào khoảng năm 1884 - 1885. Bệnh phổ biến ở hầu khắp các nước trồng lúa trên thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ,... Ở Việt Nam, bệnh bạc lá lúa đã đươc phát hiện từ lâu trên các giống lúa mùa cũ. Đặc biệt, từ năm 1965 - 1966 trở lại đây, bệnh thường xuyên phá hoại một cách nghiêm trọng ở các vùng trồng lúa trên các giống nhập nội có năng suất cao cấy trong vụ xuân và đặc biệt ở vụ mùa. Mức độ, tác hại của bệnh phụ thuộc vào giống, thời kỳ bị bệnh của cây sớm hay muộn và mức độ bị bệnh nặng hay nhẹ, bệnh làm cho lá lúa đặc biệt là lá đòng sớm tàn, nhanh chóng chết khô, bộ lá xơ xác, tỷ lệ hạt lép cao, năng suất giảm sút rõ rệt. 

1. Triệu chứng gây hại của bệnh bạc lá lúa 

Bệnh bạc lá lúa phát sinh phá hại suốt thời kỳ mạ đến khi lúa chín, nhưng có triệu chứng điển hình là thời kỳ lúa cấy trên ruộng từ sau khi lúa đẻ - trỗ - chín sữa. 

- Trên mạ: Triệu chứng gây bệnh không đặc trưng như trên lúa, do đó dễ nhầm lẫn với các hiện tượng khô đầu lá lúa do sinh lý. Vi khuẩn hại mạ gây ra triệu chứng ở mép lá, mút lá với những vệt có độ dài ngắn khác nhau, có màu xanh vàng, nâu bạc rồi khô xác.

- Trên lúa: Triệu chứng bệnh biểu hiện rõ rệt hơn, tuy nhiên nó có thể biến đổi ít nhiều tùy theo giống và điều kiện ngoại cảnh. Vết bệnh từ mép lá, mút lá lan dần vào trong phiến lá hoặc kéo dài theo gân chính, nhưng cũng có vết bệnh từ ngay giữa phiến lá lan rộng ra. Vết bệnh lan rộng theo đường gợn sóng màu vàng, mô bệnh xanh tái, vàng lục, lá nâu bạc, khô xác. 

Kết quả điều tra những năm gần đây cho thấy trên đồng ruộng có 2 loại hình triệu chứng của bệnh bạc lá lúa: Bạc lá gợn vàng và bạc lá tái xanh. Loại hình bạc lá gợi vàng là phổ biến trên hầu hết các giống và các mùa vụ, còn loại hình bạc lá tái xanh thường chỉ xuất hiện trên 1 số giống lúa, đặc biệt đối với các giống lúa có phiến lá to, thế lá đứng như Thái Xuyên 111, Phú Ưu 978, TBR225,…

Thông thường ranh giới giữa mô bệnh và mô khỏe được phân biệt rõ ràng, có giới hạn theo đường gợn sóng màu vàng hoặc không vàng, có khi chỉ là một đường viền màu nâu đứt quãng hay không đứt quãng. Trong điều kiện nhiệt độ, ẩm độ cao, trên bề mặt vết bệnh dễ xuất hiện những giọt dịch vi khuẩn hình tròn nhỏ, có màu vàng đục, khi keo đặc rắn cứng có màu nâu hổ phách. Tuy nhiên, nhiều khi vết bệnh quá cũ, hoặc biến đổi ít nhiều tùy theo giống và điều kiện ngoại cảnh, nhất là ở giai đoạn mạ, do vậy dễ nhầm lẫn với bệnh vàng lá, khô đầu lá do sinh lý

 

Hình 1: Bạc lá gợn vàng                                                Hình 2: Bạc lá tái xanh

2. Nguyên nhân gây bệnh bạc lá lúa

- Vi khuẩn gây bệnh bạc lá lúa trước đây có tên là Pseudomonas oryzae, hoặc Phytomonas ozyzae, về sau Downson đặt tên là Xanthomonas oryzae Dowson. 

- Vi khuẩn Xanthomonas campestris p.v. Oryzae Dowson có dạng hình gậy hai đầu hơi tròn, có một lông roi ở một đầu, kích thước 1 - 2 x 0,5 - 0,9 micromet. Trên môi trường nhân tạo, khuẩn lạc vi khuẩn có dạng hình tròn, có màu vàng sáp, rìa nhẵn bề mặt khuẩn lạc ướt, hảo khí nhuộm gram âm. Vi khuẩn không có khả năng phân giải Nitrat, không dịch hóa Gelatin, không tạo NH3, Inđôn, nhưng tạo H2S, tạo khí nhưng không tạo axit trong môi trường có đường. Nhiệt độ thích hợp cho vi khuẩn sinh trưởng từ 26 - 300C, nhiệt độ tối thiểu là 0 - 50C, tối đa là 400C. Nhiệt độ làm vi khuẩn chết 530C. Vi khuẩn có thể sống trong phạm vi pH khá rộng từ 5,7 - 8,5, thích hợp nhất là pH 6,8 - 7,2. 

Vi khuẩn xâm nhập có tính chất thụ động, có thể xâm nhập qua thủy khổng, lỗ khí ở trên mút lá, mép lá, đặc biệt qua vết thương sây sát trên lá. Khi đã tiếp xúc với bề mặt có màng nước, vi khuẩn dễ dàng di động xâm nhập vào bên trong qua các lỗ khí, qua vết thương mà sinh sản nhân lên về mặt số lượng, theo các bó mạch dẫn lan rộng đi. Trong điều kiện mưa ẩm thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, trên bề mặt vết bệnh tiết ra những giọt dịch vi khuẩn. Thông qua sự va chạm giữa các lá lúa, nhờ mưa gió truyền lan bệnh sang các lá khác để tiến hành xâm nhiễm lặp lại nhiều lần trong thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Cho nên, bệnh bạc lá lúa tuy là một loại bệnh có cự ly truyền lan hẹp song nó còn tùy thuộc vào mưa bão xảy ra vào cuối vụ xuân và trong vụ mùa mà bệnh có thể truyền lan với phạm vi không gian tương đối rộng, giọt keo vi khuẩn hình thành nhiều, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho bệnh bạc lá phát sinh phát triển mạnh sau những đợt mưa giông kèm theo gió mạnh xảy ra.

          Về nguồn bệnh bạc lá lúa còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều tài liệu khác cho thấy: vi khuẩn có thể sống trong đất từ 1-3 tháng, tùy ẩm độ đất và tính acid của đất. Vi khuẩn có thể lưu tồn trong hạt sau thu hoạch cho đến 3 tháng sau. Vi khuẩn không những có bên trong vỏ trấu mà còn có cả trong phôi nhũ. Tuy nhiên, nếu hạt được phơi nắng khô thì vi khuẩn sống không quá 40 ngày và khi ngâm hạt vào nước sau 24 giờ thì mật số bị giảm 99% và hoàn toàn bị chết hẳn sau 5 ngày ngâm. Do đó hạt không phải là nguồn lây bệnh quan trọng. Cỏ dại, tàn dư cây lúa sau thu hoạch và dạng viên keo vi khuẩn là nguồn bệnh bảo tồn trên đồng ruộng. Chân rạ và rễ lúa là nguồn bệnh, nhất là đối với trường hợp bệnh phát triển và thể hiện triệu chứng dạng héo xanh. Vi khuẩn có hai dạng, với khả năng lưu tồn khác nhau, dạng vi khuẩn khô kết hợp thành khối trong mô mộc của nhu mô thì có kích thước nhỏ hơn, nhưng lưu tồn lâu hơn trong điều kiện bất lợi.

3. Quy luật phát sinh phát triển của bệnh bạc lá lúa 

Ở Nghệ An nói chung, Quỳnh Lưu nói riêng, bệnh có thể phát sinh, phát triển ở tất cả các vụ trồng lúa. Bệnh gây hại nặng hơn trên các giống lúa có bản lá to, mỏng, các giống lúa mẫn cảm bệnh thường bị bệnh bệnh rất sớm và nặng. Trong các giai đoạn, giai đoạn lúa đòng - trỗ - chín sữa là giai đoạn mẫn cảm nhất đối với bệnh và cũng gây thiệt hại năng suất cao nhất có thể từ 25-50% thậm chí mất trắng.

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ấm nóng và thường vụ Hè thu - Mùa bệnh hại nặng hơn so với vụ Xuân. Điều kiện  nhiệt độ 26-300C, ẩm độ cao từ 90% trở lên thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển. Thời tiết mưa to, gió lớn hoặc bão ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá phát sinh gây hại trên diện rộng. Bệnh phát triển mạnh ở những ruộng màu mỡ, bón nhiều phân đặc biệt là phân đạm, bón đạm lai rai, bón không cân đối giữa (NPK), cây lúa xanh tốt, thân mềm yếu, hàm lượng đạm tự do trong cây tích lũy cao thì cây dễ nhiễm bệnh nặng. Những chân ruộng chua, trũng, đặc biệt là vùng đất hẩu, hàng lúa bị bóng cây che phủ thì bệnh phát triển và gây hại nặng hơn. Các giống lúa khác nhau thì mức độ mẫn cảm với bệnh cũng khác nhau.

Ảnh hưởng của phân đạm đến bệnh bạc lá thể hiện khá rõ rệt: nó phụ thuộc vào số lượng đạm và thời kỳ bón. Nếu bón quá nhiều đạm, dễ nhiễm bệnh nặng. Ngoài ra, cùng một lượng đạm nhưng cách bón, kỹ thuật bón đều ảnh hưởng rõ rệt tới mức độ phát sinh của bệnh. Bón phân sâu, bón tập trung, bón nặng đầu nhẹ cuối, bón thúc sớm bệnh bạc lá sẽ nhẹ hơn so với bón rải rác và bón muộn. Nếu bón đạm cân đối với kali và lân thì bệnh nhẹ hơn nhiều, tuy nhiên khi đã bón lượng đạm quá cao (150 N/ha)  thì dù có bón thêm kali và lân tác dụng với bệnh cũng không rõ rệt.

4. Biện pháp phòng trừ bệnh bạc lá lúa

Giải pháp quan trọng nhất để chủ động phòng chống bệnh bạc lá lúa là sử dụng giống lúa chống chịu bệnh và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác và tập trung vào các biện pháp chủ yếu sau:

4.1. Sử dụng giống chống chịu bệnh

Chọn giống chống chịu tốt với bệnh bạc lá để đưa vào gieo cấy. Đối với những vùng thường xuyên bị bệnh nặng cần rà soát, điều chỉnh cơ cấu giống lúa, sử dụng những giống có khả năng chống chịu hoặc ít nhiễm bệnh. Hạn chế tối đa gieo trồng những giống nhiễm bệnh bạc lá nặng đặc biệt trong vụ Hè thu - Mùa hay bị ảnh hưởng của mưa bão.

4.2. Bố trí thời vụ

Tùy theo điều kiện của từng vùng để bố trí thời vụ gieo cấy hợp lý theo kế hoạch sản xuất của UBND huyện để giai đoạn lúa trỗ - chín vào thời gian ít bị ảnh hưởng của mưa bão đặc biệt vụ Hè thu bố trí lúa trỗ trước 15/8 hàng năm, thu hoạch trước 15/9 thì hệ số an toàn sẽ rất cao.

4.3. Biện pháp canh tác

Ngay từ đầu vụ áp dụng các gói kỹ thuật canh tác như: canh tác lúa cải tiến SRI, 3 giảm, 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Trong đó tập trung vào cấy thưa, cấy 1-2 dảnh/khóm, bón lót sâu, bón thúc sớm, tập trung bón nặng đầu nhẹ cuối và bón cân đối giữa NPN để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe tăng khả năng chống chịu bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

Những vùng hay bị bệnh hoặc các vùng gieo trồng giống hay nhiễm bạc lá thì ưu tiên bón tăng lân và kaly. Những chân ruộng hẩu hay dồn đạm cuối vụ: cần giảm bón đạm, bón tăng lân và kaly cho cây cứng, lá dầy đỡ bị bệnh bạc lá cuối vụ. Bón lót sâu, bón thúc đẻ nhánh sớm ngay sau cấy 7-10 ngày. 

Áp dụng chế độ tưới nước theo "Nông - Lộ - Phơi" tạo cây lúa cứng cây, cứng lá tăng khả năng chống đổ, khả năng chống chịu dịch hại nói chung và bệnh bạc lá nói riêng.
          Thường xuyên thăm đồng ruộng theo dõi phát hiện bệnh sớm, khi phát hiện thấy triệu chứng bệnh cần giữ nước ruộng 3 - 5 cm, dừng bón tất cả các loại phân hoá học, phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng.

4.4. Sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật

Tại những vùng thường xuyên bị bệnh bạc lá nặng cần tăng cường thăm đồng phát hiện sớm triệu chứng bệnh. Khi bệnh chớm xuất hiện cần sử dụng các thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có hoạt chất như: Bronopol, Saikuzuo, Ningnanmycin, Saisentong, Oxolinic Acid, Bismerthiazol, …với các tên thương mại: Xantocin 40WP, Bonny 4SL, Xanthomix 20WP,Visen 20SC, Staner 20WP, Kozuma 3SL… liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì để phun trừ hạn chế sự lây lan của bệnh và phun lại lần 2 cách 5-7 ngày khi bệnh mới xuất hiện. Giai đoạn lúa đòng - trỗ - chín theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết tiến hành phun trước và sau mưa giông bằng các thuốc có chứa hoạt chất nêu trên theo hướng dẫn ghi trên bao bì để phòng ngừa hạn chế sự lây lan của bệnh.

Hình ảnh: Một số loại thuốc BVTV phun trừ bệnh bạc lá vi khuẩn

Hình 5: Lúa bị vàng lá sinh lý                                                Hình 6:  Lúa bị bệnh Bạc lá vi khuẩn

Nội dung, hình ảnh: Th.s Nguyễn Thị Hoài Thương 

Kiểm duyệt nội dung: PGĐ: Nguyễn Tiến Liên

Bình luận

Gửi bình luận
    Bình luận

    Bài viết liên quan

    SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA

    SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA

    SÂU CUỐN LÁ NHỎ HẠI LÚA Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa có tên khoa học là Cnaphalocrocis medinalis Guenee thuộc họ Ngài sáng (Pyralidae), bộ...